Chiều muộn ở Đồng Mô. Một người đàn ông trong bộ đồ đua xe ngồi bó gối, tựa lưng vào lốp chiếc xe bán tải lấm lem bụi đất. Cách đây ít phút, bãi đất thuộc làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là “chảo lửa” của Giải đua xe Địa hình đối kháng KOK 2018, bây giờ chỉ còn các công nhân đang tháo gỡ, thu dọn. Các vận động viên chắc hẳn đã về từ lâu và bù khú ăn mừng chiến thắng.
Nỗi buồn của Hoàng Giang.
Người đàn ông vẫn ngồi lặng lẽ, ánh mắt vô định ấy là Hoàng Giang. Cách đây 24 tiếng đồng hồ, anh là ngôi sao của giải. Trong số 36 tay lái đăng ký tranh tài, Giang là người có vị trí số một ở ngày thi đấu đầu tiên.
Nhưng chỉ sau một lượt chạy của ngày thứ hai, anh đã thuộc về số đông những người thua cuộc. Luật chơi KOK chỉ vinh danh những người chiến thắng. Mỗi lượt chạy sau vòng đấu loại sẽ có một tay đua phải dừng cuộc chơi.
Điều luật Knock-out trong thể thao chưa bao giờ là món ăn dễ nuốt. Knock Out the King (KOK), như chính ngữ nghĩa của nó, là "Hạ bệ nhà Vua". Trận chiến khốc liệt của các tay đua không có chỗ cho sai lầm, dù là nhỏ nhất. Phong độ của Giang vẫn ổn định, tuy nhiên chiếc xe không còn giữ được sự ổn định cần thiết cho ngày thi đấu thứ hai. Hệ thống điều khiển điện của động cơ gặp trục trặc khiến xe không thể chạy được ở vòng tua máy cao.
Mọi nỗ lực của Giang chỉ giúp cho chiếc xe cán đích 9 giây sau đối thủ Phạm Hoàng Đức của Passio Tuning, một đội đua đến từ Sài Gòn. Trong các cuộc đua offroad thông thường, cách biệt 9 giây có thể là một kết quả sít sao, nhưng với KOK đó là một thảm bại.
Ở KOK chiến thắng được phân định bằng 0,001 giây.
Không tranh cãi. Không phân bua.
Vô cảm, lạnh lùng và tàn khốc. Đó là luật định của KOK.
KOK là sự kết hợp giữa người và xe.
Trái ngược với cảm xúc của Giang, ở một góc khác của trường đua, một doanh nhân trong bộ suits gọn ghẽ đang phấn khích - hình ảnh hiếm gặp ở các cuộc đua xe trước đây. “Việt Nam nên có những cuộc đua như thế này. Nó là một nét chấm phá trong cuộc sống đô thị. Nó khiến người ta bứt phá khỏi những buồn tẻ hàng ngày”, ông hồ hởi nói lên như hét.
Đó là Lê Ngọc An, Giám đốc bán hàng cao cấp của nước tăng lực Sting, nhà tài trợ vàng của giải.
Tinh thần bứt phá, khốc liệt của giải đua cũng chính là thứ mà Sting theo đuổi.
Các nhãn hàng tiêu dùng nhanh ngang càng quan tâm tới các hoạt động thể thao mới lạ ở Việt Nam như đua xe, như KOK. Cùng trong xu hướng này, tham gia bảo trợ cho KOK còn có tay chơi mới trong ngành công nghiệp ôtô - VinFast và Ngân hàng bưu điện Liên Việt.
KOK cũng là giải đua đầu tiên tại Việt Nam áp dụng kiểu chạy hai xe đua song song trên hai đường cách biệt. Các tay đua luôn nhìn thấy đối thủ của mình trong tầm mắt, phải cố gắng đẩy tới giới hạn của cá nhân, của xe thi đấu. Khán giả xem KOK vô cùng phấn khích với các màn tranh tài về đích cách nhau một phần nghìn giây, nhưng ở phía tay đua, đó cũng là một áp lực khủng khiếp.
4 vòng đua của KOK thông thường sẽ được hoàn tất trong 9 phút. Nhưng điều luật KOK chỉ tính hơn thua giữa hai đối thủ trực tiếp. Điều đó có nghĩa, nếu gặp đối thủ yếu hơn, một tay đua có thể chạy “dưỡng sinh” để giữ sức, giữ xe cho trận sau; nếu gặp đối thủ mạnh hơn, tay đua sẽ phải dùng đến hơn 100% khả năng của mình, của xe. Các xe bị hỏng trong giải đua KOK phản ánh rõ áp lực này khi phần lớn dính lỗi đều là các tay đua được giới đua xe đánh giá là “thấp cơ” hơn đối thủ.
Với người Việt trẻ hiện nay, ôtô không còn nặng ý nghĩa là tài sản như các thế hệ trước. KOK là cuộc đua cho những người như vậy. Họ đến với KOK để thỏa mãn đam mê cá nhân, khai phá những gì tiềm ẩn trong mỗi chiếc xe và khai mở những khả năng chưa có dịp bùng phát trong con người họ. KOK là định dạng đua xe “khó chơi”, nhưng có sức hấp dẫn riêng của nó. Đó cũng là chỉ dấu của một bước tiệm cận với đua xe chuyên nghiệp.
"Nhà vua" của vòng một liệu có bị hạ bệ ở vòng 2?
Những doanh nhân như ông An, hơn ai hết hiểu rất rõ điều này. Đây là một chỉ dấu rõ ràng về sự dịch chuyển về lối sống trong đời sống đô thị. Giới đua xe thì hy vọng những nền tảng như KOK sẽ giúp Việt Nam có được những tay đua như Giang được đứng trong các hệ thống giải của FIA – Liên đoàn đua xe ôtô thế giới, chứ không chỉ quanh quẩn ở các giải đấu trong nước.
Lặng lẽ lái xe rời khỏi trường đua, Giang có lẽ vẫn chưa hết buồn với kết quả thi đấu của mình. Nhưng ở KOK, chỉ có hai thái cực: thắng hoặc thua. Ngày hôm nay, Trần Phát - đồng đội của Giang, đã lên ngôi vô địch Vòng 1 KOK 2018. Giang sẽ phải chờ đến Vòng 2 KOK mới có cơ hội hạ ngôi vương của chính đồng đội mình.
Giang sẽ không thể buồn lâu nếu buốn hạ knock-out "nhà vua" Trần Phát ở vòng sau. Ở KOK, vinh quang có thể chỉ tồn tại sau một vòng chạy. Tất nhiên, ở đó không có chỗ cho những nỗi buồn và hậm hực.
Với KOK, chỉ có sự dung hòa hoàn hảo giữa xe và người mới làm nên chiến thắng.
Thế Hùng
Đua xe ở KOK – không có chỗ cho nỗi buồn của người thua cuộc
15:52
Bài viết liên quan: