www.otohaiau.com

"Cần tìm đối thủ"

Tìm kiếm Blog này

Bí mật những thiết bị bảo vệ mạng sống các tay đua F1

Mũ bảo hiểm làm từ siêu vật liệu

FIA – Liên đoàn ôtô thế giới đưa ra những tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo cho chiếc mũ bảo hiểm được sử dụng ở F1: chế tạo từ siêu vật liệu, chống cháy, chịu lực va đập tới 20 tấn, chịu nhiệt độ 800 độ C, chịu tác động của một thanh thép dài và nặng rơi tự do từ độ cao trên 5 mét xuống, thiết kế khí động học, cung cấp oxy... và chỉ được nặng khoảng 1,25 kg. Để dễ mường tượng, chiếc mũ bền chắc tới mức nào, dưới đây là đoạn video được thực hiện bởi trang What’s inside:

Bí mật những thiết bị bảo vệ mạng sống các tay đua F1
 
 
Bí mật những thiết bị bảo vệ mạng sống các tay đua F1

Người đàn ông đã phải đập tới 8 nhát búa hạng nặng mới có thể xuyên thủng được một phần chiếc mũ. Nếu đó là loại thậm chí tốt nhất bạn vẫn sử dụng hàng ngày, chắc hẳn nó đã không thể chịu đựng ngay từ nhát đầu tiên.

Ngoài khả năng chịu mọi va đập, bên trong mỗi chiếc mũ bảo hiểm F1 còn chứa đầy những công nghệ tiên tiến. Mẫu mũ HP7 mới nhất sẽ được các tay đua sử dụng cho mùa giải 2019 năm nay được phát triển bởi Bell có lớp vỏ hoàn toàn bằng sợi carbon. Trên đó, kính chắn gió phủ lớp chống sương và hơi nước kép giúp mang lại tầm nhìn tốt nhất ở tốc độ thường xuyên trên 300 km/h. Các thông số như vòng tua hay tốc độ cũng luôn được hiển thị dạng điện tử ngay trên bộ phận này.

Chạy dọc thân mũ có 14 khe hút không khí giúp làm mát toàn bộ phần đầu của tay đua, nhưng dòng không khí phải nhanh chóng thoát ra rồi tuần hoàn trở lại vì nếu không chúng sẽ gây áp lực lên chiếc mũ khiến nó nặng hơn, ảnh hưởng tới "công suất" chiếc F1.

Xung quanh các tay đua là tiếng gầm rú của những động cơ V6 mạnh từ 750 tới 1.000 mã lực, tiếng hò hét của hàng vạn khán giả mà họ thì cần sự tập trung cao độ sau vô-lăng. Để giải quyết vấn đề, các kỹ sư sử dụng một tấm cách âm, giúp cường độ âm bên trong mũ về dưới 100 dB, ngang ngửa với môi trường trong cabin của chiếc sedan chúng ta di chuyển hàng ngày.

Bộ HANS sau mũ bảo hiểm. Ảnh: F1

Bộ HANS sau mũ bảo hiểm. Ảnh: F1

Mỗi chặng đua có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ, một hệ thống ống hút cũng được tích hợp sẵn ngay vị trí gần miệng tay đua nhất để giúp họ chống lại cơn khát. Bên cạnh đó là tai nghe radio đảm bảo cho người lái và đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ không bao giờ gián đoạn liên lạc.

Tất nhiên để làm được những điều tuyệt trên, mỗi chiếc mũ sẽ "ngốn" ít nhất 10.000 USD để sản xuất, con số không hề rẻ.

Nhưng mũ mới chỉ bảo vệ được phần đầu, nên quần áo bảo hộ và HANS ra đời. Sau rất nhiều cải tiến, bộ quần áo bảo hộ mới nhất ngày nay có thể giúp các tay đua miễn nhiễm với ngọn lửa lên tới 1.000 độ C, tiếp đó họ có ít nhất 11 giây để thoát khỏi đám cháy mà không phụ thuộc vào nhiệt độ bên ngoài môi trường. Về cơ bản chúng sẽ được làm từ sợi nomex, loại vật liệu dùng cho trang phục của lính cửu hỏa, rồi gia cố thêm nhiều lớp đệm hấp thụ lực khác ở các vị trí như đùi, đầu gối hay cánh tay của tay đua. Ngoài trang phục, một trang bị vô cùng quan trọng giúp bảo vệ đốt sống cổ cũng được phát triển, đó là HANS.

Trông bề ngoài HANS sẽ giống một miếng tựa cổ làm bằng sợi carbon, gắn liền với mũ bảo hiểm. Trong trường hợp va chạm xảy ra, HANS sẽ giúp giảm 46% khoảng cách di chuyển của cổ và giảm tới 86% lực tác động vào đốt sống.

Bộ đua của Mercedes màu trắng. Ảnh: Reuters

Bộ đua của Mercedes màu trắng. Ảnh: Reuters

Sau khi khoác lên mình tổ hợp thiết bị gồm mũ bảo hiểm, HANS và bộ quần áo bảo hộ, các tay đua sẽ được cố định trong khoang lái có phần chật chội bởi một hệ thống 5 dây an toàn chằng chịt. Tất cả nhằm mục đích cho mọi vị trí trên cơ thể họ được giữ cố định trong trường hợp xấu nhất. 2 dây vắt chéo vai, 1 dây vòng qua bụng, 2 dây còn lại giữ 2 chân.

Tác động trực tiếp tới cơ thể các tay đua là điều không ai muốn, trước đó các kỹ sư muốn bảo vệ họ ngay từ vòng ngoài. Giải pháp đưa ra là phải chế tạo được buồng lái có sức chịu lực hoàn hảo. Bắt đầu từ mùa giải 2018, HALO được lựa chọn như giải pháp tối ưu nhất dành cho các đội đua, dù trước đó công nghệ này vấp phải sự phản đối của các tay đua bởi chúng làm tăng trọng lượng xe. HALO được cấu thành hoàn toàn từ titanium, khối kim loại nặng 7 kg với 3 trục chính. Trục trước được đặt ở chính giữa thân xe phía trước buồng lái, 2 trục bên chạy ra phía sau đi qua chỗ ngồi của tay đua. Bộ phận này đủ sức chịu áp lực tới 12 tấn trong vòng 5 giây, biến thành tấm chắn quan trọng bậc nhất cho người lái trong trường xảy ra va chạm ở tốc độ cực cao trên đường đua F1.

Cấu trúc HALO giúp bảo vệ tài xế khỏi tai nạn. Ảnh: F1

Cấu trúc HALO giúp bảo vệ tài xế khỏi tai nạn. Ảnh: F1

Cuối cùng là thông số chịu lực va đập của toàn bộ kết cấu khung sườn xe. Trong các clip ghi lại những vụ va chạm kinh hoàng nhất, khán giả nhìn thấy mọi bộ phận của chiếc F1 như lốp, bánh xe, càng xe, đuôi gió... có thể gãy tan nát nhưng buồng lái thì gần như nguyên vẹn, tay đua bước ra như chưa hề có chuyện gì. Đó là bởi cấu trúc khung sườn đặc biệt giúp bảo vệ toàn bộ buồng lái khỏi những va đập ở gia tốc gấp 80 lần gia tốc trọng trường. Theo tính toán, chúng có thể chịu được một lực tác động tương đương 250 tấn.

Vào năm 2016, ở chặng đua Grand Prix tại Bỉ, chiếc Renault R.S16 của Kevin Magnussen mất lái tông thẳng vào hàng rào chắn ở tốc độ 290 km/h. Camera trên xe ghi lại khoảng khắc cú va đập diễn ra với hàng trăm mảnh vỡ. Nhưng Magnussen được đưa ra chăm sóc y tế với chỉ một vết thương nhỏ bên mắt cá chân bên trái.

Tai nạn của Kevin Magnussen
 
 
Tai nạn của Kevin Magnussen

Tai nạn của kevin Magnussen tại chặng Bỉ năm 2016. Video: F1

Sự kỳ diệu đó không phải là một phép màu. Đó là kết quả của những công nghệ an toàn đỉnh cao của giải đua xe nhanh và hấp dẫn hành tinh mang tên F1.

Thái Hoàng

.