Hôm 10/1 Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 03/2018
hướng dẫn thực hiện Nghị định 116/2017, làm rõ những vấn đề về kiểm tra chất lượng và môi trường đối với ôtô nhập khẩu.
Thông tư có hiệu lực từ 1/3/2018.
Thông tư này làm rõ những khái niệm xuất hiện trong Nghị định, trong đó đáng chú ý là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại. Đây là bất cứ cơ quan, tổ chức nào được theo quy định của pháp luật được nước ngoài chấp thuận, thừa nhận, công nhận có chức năng phát hành loại giấy tờ này. Điều đó có nghĩa có thể là
cơ quan thuộc chính phủ, có thể là một tổ chức độc lập hoặc cũng có thể là chính doanh nghiệp nếu được chính phủ chấp thuận.
|
Ôtô nhập khẩu về Việt Nam từ 2018 đối diện không ít khó khăn bởi nhiều rào cản của hàng rào phi thuế quan.
|
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nhắc lại việc kiểm định theo từng lô cùng hệ thống các loại giấy tờ để kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Riêng xe nhập chưa qua sử dụng, bộ hồ sơ cần tới 12 loại giấy tờ.
"Không có gì mới" là nhận định chung của các hãng liên doanh trong VAMA về Thông tư 03. Xe muốn nhập khẩu vẫn cần giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA-Vehicle Type Approval).
Đại diện Toyota và Honda Việt Nam đều cho rằng thông tư càng làm chặt thêm Nghị định. Với thông tư này, trong vài tháng tới các liên doanh sẽ không thể nhập xe về Việt Nam. Trong khi đó các cơ quan chức năng thì tin rằng "doanh nghiệp sẽ có cách".
Cách duy nhất để nhập xe với Toyota, Honda hay các hãng nhập nhiều xe từ ASEAN là đề nghị các hãng xuất khẩu cung cấp giấy VTA. Muốn vậy, chính phủ Thái Lan hay Indonesia phải cho phép một tổ chức nào đó cấp loại giấy này cho xe xuất khẩu sang Việt Nam. Nếu tiến hành từ bây giờ, cũng phải mất 4-5 tháng nữa mới có xe về nước.
Trong khi các hãng liên doanh VAMA, nhập xe từ ASEAN kêu khó thì phần lớn các hãng xe châu Âu lại tỏ ra bình thản. Mercedes, Porsche, Trường Hải (BMW), Volkswagen... đều cho rằng có thể giải quyết được giấy VTA.
Ông Võ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Volkswagen Việt Nam nói: "Thông tư vừa ban hành không có gì mới so với Nghị định 116 trước đó. Công ty đang chuẩn bị giấy VTA theo yêu cầu".
|
Các hãng xe Đức cho rằng có thể lo giấy VTA để nhập xe về bán.
|
Về kiểm định,
với từng kiểu loại xe trong lô xe nhập khẩu, cơ quan kiểm tra tiến hành lấy ngẫu nhiên một hoặc hai xe (trong trường hợp doanh nghiệp có yêu cầu dùng một mẫu để thử nghiệm an toàn, một mẫu thử nghiệm khí thải). Riêng yêu cầu khí thải, xe mới phải đáp ứng mức 4 theo quy chuẩn quốc gia.
Theo ông Tuấn Anh, quy định kiểm tra theo lô làm tốn thời gian và phát sinh chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp lẫn khách hàng. "Đã có giấy VTA nhưng Thông tư còn yêu cầu thêm giấy chứng nhận linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước và kính liệu có cần thiết?", vị này nói thêm.
Với ôtô "lướt" nhập khẩu,
không có tín hiệu nào khả quan hơn khi Thông tư mới vừa ban hành. Những ràng buộc về chứng nhận ủy quyền triệu hồi xe, hỗ trợ linh, phụ kiện từ chính hãng, cơ sở bảo dưỡng vẫn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp tư nhân.
Thông tư của Bộ GTVT là câu trả lời cho những thắc mắc lẫn hy vọng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tại Việt Nam. Những lần gửi kiến nghị lên Chính phủ của một số thành viên VAMA trước đó với mong muốn giảm bớt quy định siết chặt ôtô nhập khẩu chính thức khép lại.
Nghị định 116 ngay lập tức ảnh hưởng đến thị trường ôtô Việt Nam đầu 2018 khi ôtô nhập khẩu sụt giảm mạnh về lượng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, con số "kỷ lục" chỉ vỏn vẹn 6 ôtô con về Việt Nam trong nửa đầu tháng 1/2018.
Nguồn cung thiếu đối với xe nhập dự kiến kéo dài qua Tết Nguyên đán. Các hãng xe hy vọng tình hình cải thiện hơn, ít nhất đến giữa 2018 khi họ có thêm thời gian để chủ động trong việc chuẩn bị các thủ tục cần thiết và xem xét diễn biến của thị trường.
Thành Nhạn - Đức Huy