Đèn cảnh báo nguy hiểm (hazard) đúng như cái tên của nó, chỉ sử dụng trong các trường hợp cần cảnh báo nguy hiểm cho phương tiện khác. Tuy vậy nhiều người không hiểu hết ý nghĩa mà luôn lạm dụng, đi qua ngã ba ngã tư bật để đi thẳng. Thậm chí một số trường hợp còn dùng cả khi vượt xe.
Theo sách hướng dẫn sử dụng, đèn cảnh báo nguy hiểm nên luôn được sử dụng khi dừng xe lại hay đậu sát đường trong trường hợp khẩn cấp như xe bị hỏng. Đèn sẽ báo cho các lái xe khác biết xe bạn là mối nguy hiểm giao thông, nhắc nhở họ chú ý quan sát.
Đây là cách sử dụng chuẩn mực nhất theo hướng dẫn. Bên cạnh đó, theo thói quen hình thành nhiều năm, các tài xế ở Việt Nam còn sử dụng đèn theo các cách khác nhau, trong đó có thể gây khó chịu cho người khác, hoặc được chấp nhận rộng rãi.
Đèn khẩn cấp gây khó chịu khi tài xế bật để đi thẳng qua ngã tư, vòng xuyến. Thực tế, khi qua ngã tư, nếu không bật xi-nhan bên nào, thì mặc định xe đi thẳng. Qua vòng xuyến cũng tương tự, rẽ bên nào, bật bên đó. Nếu đi thẳng qua vòng xuyến, luật không yêu cầu phải bật xi-nhan, nhưng nên sử dụng theo quy tắc"vào trái, ra phải" để an toàn hơn.
Trong cả hai trường hợp này, đèn nguy hiểm đều không nên sử dụng. Thậm chí nhiều người cho rằng, cách bật này để thị uy với tài xế khác, muốn phóng nhanh cướp đường, gây nguy hiểm, hiểu nhầm cho tài xế từ cả hai phía.
Tuy vậy, có một số cách bật đèn khẩn cấp được chấp nhận rộng rãi , đó là khi trời mưa lớn, sương mù gây giảm tầm nhìn hay lùi xe nơi đông đúc, lúc trời tối. Tuy vậy, nên hạn chế tối đa loại đèn này. Nếu mưa và sương mù bình thường, chỉ cần bật đèn gầm (đèn sương mù) là đủ.
Minh Vũ